Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hay còn gọi là báo cáo ngân lưu là một báo cáo quan trọng và bắt buộc trong bộ báo cáo tài chính, nó cung cấp thông tin giúp người sử dụng đánh giá các thay đổi trong tài sản thuần, cơ cấu tài chính, khả năng chuyển đổi của tài sản thành tiền, khả năng thanh khoản và khả năng của doanh nghiệp trong việc tạo ra các dòng tiền trong quá trình hoạt động.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp thông tin để đánh giá khách quan tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau vì nó đã loại trừ được những tác động của việc sử dụng những phương pháp kế toán khác nhau cho cùng một giao dịch và hiện tượng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dùng để xem xét và dự đoán khả năng về số lượng, thời gian và độ tin cậy của các luồng tiền trong tương lai; dùng để kiểm tra lại các đánh giá, dự đoán trước đây về các luồng tiền; kiểm tra mối quan hệ giữa khả năng sinh lời với lượng lưu chuyển tiền thuần và những tác động của thay đổi giá.
Báo cáo lưu chuyển tệ có thể được kế toán lập theo 2 phương pháp: trực tiếp và gián tiếp. Và trong bài viết này Dân Tài Chính sẽ hướng dẫn kế toán nguyên tắc và cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo cả 2 phương pháp đó, tuân thủ theo hướng dẫn mới nhất của thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài Chính
Nguyên tắc dòng tiền vào ra trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Dòng tiền vào
Các khoản thanh toán của khách hàng cho việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ
Lãi tiền gửi từ ngân hàng
Lãi suất tiết kiệm và đầu tư
Đầu tư của cổ đông
Dòng tiền ra
Chi mua cổ phiếu, nguyên nhiên vật liệu thô hoặc các công cụ
Chi trả lương, tiền thuê và các chi phí hoạt động hàng ngày
Chi mua tài sản cố định – máy tính cá nhân, máy móc, thiết bị văn phòng,…
Chi trả lợi tức
Chi trả thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các thuế khác
Quy định lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Việc lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hàng năm và các kỳ kế toán giữa niên độ phải tuân thủ các quy định của chuẩn mực kế toán số 24 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” .
Các khoản đầu tư ngắn hạn được xem là tương đương tiền trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn đáo hạn hoặc thu hồi không quá ba tháng, có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền kể từ ngày mua khoản đầu tư đó tại thời điểm báo cáo. Ví dụ trái phiếu ngân hàng, trái phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi… có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá ba tháng kể từ ngày mua.
Doanh nghiệp phải trình bày các dòng tiền trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo qui định trong chuẩn mực kế toán số 24 về báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính
– Luồng tiền từ hoạt động đầu từ là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền;
– Luồng tiền từ hoạt động tài chính là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu của nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp.
Các luồng tiền phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính sau đây được báo cáo trên cơ sở thuần:
– Thu tiền và chi trả tiền hộ khách hàng như tiền thuê thu hộ, chi hộ và trả lại cho chủ sở hữu tài sản.
– Thu tiền và chi tiền đối với các khoản có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn như: mua, bán ngoại tệ; Mua, bán các khoản đầu tư; Các khoản đi vay hoặc cho vay ngắn hạn khác có thời hạn thanh toán không quá 3 tháng.
Các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phải được qui đổi ra đồng tiền chính thức sử dụng trong ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền không được trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Ví dụ:
– Việc mua tài sản bằng cách nhận các khoản nợ liên quan trực tiếp hoặc thông qua nghiệp vụ cho thuê tài chính.
– Việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu
Các khoản mục tiền và tương đương tiền đầu kỳ và cuối kỳ, ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ phải được trình bày thành các chỉ tiêu riêng biệt trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đối chiếu số liệu với các khoản mục tương ứng trên bảng cân đối kế toán.
Doanh nghiệp phải trình bày giá trị và lý do của các khoản tiền và tương đương tiền có số dư cuối kỳ lớn do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không được sử dụng do có sự hạn chế của pháp luật hoặc các ràng buột khác mà doanh nghiệp phải thực hiện.
Cơ sở lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ được căn cứ vào:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước
– Các tài liệu kế toán khác, như: Sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết, các tài khoản “Tiền mặt”, “Tiền gởi ngân hàng”, “Tiền đang chuyển”; Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết của các tài khoản liên quan khác, bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ và các tài liệu kế toán chi tiết khác…
Yêu cầu về mở và ghi sổ kế toán phục vụ lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
– Sổ kế toán chi tiết các tài khoản phải thu, phải trả phải được mở chi tiết theo 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
– Đối với sổ kế toán chi tiết các tài khoản “Tiền mặt”, “Tiền gửi ngân hàng”, “Tiền đang chuyển” phải có chi tiết để theo dõi được 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính làm căn cứ tổng hợp khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ví dụ, đối với khoản tiền trả ngân hàng về gốc và lãi vay, kế toán phải phản ảnh riêng số tiền trả lãi vay và số tiền trả gốc vay trên sổ kế toán chi tiết.
– Tại thời điểm lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ vào cuối niên độ kế toán, doanh nghiệp phải xác định được các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn đáo hạn hoặc thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày mua thỏa mãn định nghĩa được coi là tương đương tiền phù hợp với qui định của chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” để loại trừ ra khỏi các khoản mục liên quan đến hoạt động đầu tư ngắn hạn. Giá trị các khoản tương đương tiền được cộng (+) vào chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ” trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Đối với các khoản đầu tư chứng khoán và công cụ nợ không được coi là tương đương tiền, kế toán phải căn cứ vào mục đích đầu tư để lập bảng kê chi tiết xác định các khoản đầu tư chứng khoán và công cụ nợ phục vụ cho mục đích thương mại (mua vào để bán) và phục vụ cho mục đích nắm giữ đầu tư để thu lãi.
Phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm
Xem chi tiết cách lập từng chỉ tiêu báo cao lưu chuyển tiền tệ tại đây: https://www.dantaichinh.com/bao-cao-luu-chuyen-tien-te/2/
Thu viết
Đúng cái mình cần, cảm ơn ad hướng dẫn rất chi tiết