CEO là một vị trí ao ước của nhiều người, được coi như lá cờ đầu của doanh nghiệp. Vậy CEO là gì và khác nhau giữa CEO và COO, CEO có vai trò thế nào đối với sự thành bại của một doanh nghiệp? Để đạt được vị trí này cần phải có những tố chất gì? Hãy cùng Dân Tài Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1.CEO là gì?
CEO là viết tắt của Chief Executive Officer, có nghĩa là Giám đốc điều hành. Đây là một thuật ngữ bắt nguồn từ Mỹ và dần phổ biến ở các nước khác. Tại Việt Nam, đối với các công ty lớn thì CEO thường được dùng để nói về chức vụ Tổng giám đốc và CEO có thể đảm nhiệm thêm các chức vụ như chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quản trị.
CEO là người đứng đầu giữ chức vụ cao nhất của một tập đoàn, công ty hay tổ chức giúp điều hành toàn bộ mọi hoạt động theo những chiến lược, chính sách của hội đồng quản trị đồng thời báo cáo kết quả hoạt động và kinh doanh trước hội đồng quản trị của tập đoàn, công ty đó.
Thông thường, CEO được bổ nhiệm bởi hội đồng quản trị thông qua những đóng góp cho công ty và các đợt đánh giá năng lực. Tuy nhiên cũng có một số công ty chọn thuê ngoài CEO vì không có nhân sự cấp cao đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tùy theo tính chất loại hình của công ty, cách tổ chức và sắp xếp bộ máy nhân sự mà vị trí CEO được phân bổ tương ứng
- Đối với công ty cổ phần thì cấp cao nhất là Hội đồng quản trị hay Hội đồng cổ đông, cấp dưới sẽ là CEO. Tuy nhiên CEO thường kiêm luôn vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
- Đối với công ty TNHH thì cấp cao hơn của CEO là Hội đồng thành viên, bên dưới sẽ là các Giám đốc bộ phận
2. Vai trò và nhiệm vụ của CEO
CEO là những người phải có kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quản trị doanh nghiệp và con người. Bên cạnh đó tố chất lãnh đạo, kỹ năng mềm và kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực chuyên môn cũng là các yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một giám đốc điều hành giỏi. Giám đốc điều hành là người đứng đầu của doanh nghiệp có vai trò và trách nhiệm trong việc xây dựng, tạo lập kế hoạch, định hướng mục tiêu chiến lược hoạt động và có quyền đưa ra quyết định cuối cùng cho tổ chức, bao gồm:
Xây dựng mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn chiến lược cả ngắn hạn và dài hạn cho công ty thông qua Hội đồng quản trị phê duyệt, đảm bảo sự đi lên của doanh nghiệp.
Điều hành các Phòng ban/ Bộ phận trong công ty để hoàn thành chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ phận, đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung đã đề ra của toàn doanh nghiệp.
Là người chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của Pháp luật trong quá trình điều hành, quản lý công ty.
Chịu trách nhiệm về lợi nhuận, tăng trưởng của công ty, đưa ra những ý kiến, giải pháp để cải thiện hoạt động của doanh nghiệp.
Xây dựng, phát triển hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp trong công ty.
CEO là người đại diện cho doanh nghiệp, tham gia các hoạt động đối nội, đối ngoại, đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại, thắt chặt mối quan hệ với các nhà đầu tư tiềm năng.
Chịu trách nhiệm để phê duyệt các vấn đề về ngân sách, tài chính, thực hiện kiểm soát đánh giá định mức chi phí và ngân sách cho phù hợp với hoạt động kinh doanh.
Phân tích, đưa ra các dự báo, chiến lược, kế hoạch mới nhằm phát triển kinh doanh, mở rộng kênh phân phối trên thị trường, lôi kéo khách hàng tiềm năng từ đó tăng trưởng doanh thu.
Tổ chức cơ cấu và thiết lập bộ máy quản lý nhân sự và quản trị, điều hành các hoạt động của công ty một cách có hiệu quả, đánh giá tình hình hoạt động của các phòng ban, bộ phận.
Phê duyệt kế hoạch bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự, các quy định về chế độ lương thưởng, trợ cấp. Xét duyệt kết quả đánh giá nhân viên cuối kỳ và khen thưởng.
Trên đây chỉ là một số vai trò của CEO, trên thực tế khối lượng công việc mà CEO đảm nhiệm có thể lớn hơn rất nhiều.
3. Các tố chất cần có của một CEO
Tố chất lãnh đạo: Trở thành một CEO thành công và chuyên nghiệp ngoài việc được học tập và đào tạo bài bản thì tố chất là một yếu tố rất quan trọng. Các chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, khả năng sáng tạo, quan sát, phân tích là những chỉ số để đánh giá đối với một CEO.
Kiến thức tổng quan: CEO cần phải có kiến thức sâu rộng và tầm nhìn bao quát trên nhiều lĩnh vực, tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược. Do đó có thể nắm bắt được tình hình kinh doanh thực tế và các phương án, kế hoạch phù hợp để giúp công ty phát triển, ứng phó với mọi biến động của thị trường, vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác, không bị trì trệ, thụt lùi về phía sau.
Có nền tảng về quản trị: Công việc chính của CEO là điều hành và quản lý tổ chức nên cần phải có kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần phải thường xuyên tự nghiên cứu tìm tòi cập nhật các xu hướng mới để điều hành công ty một cách hiệu quả nhất.
Kinh nghiệm, kĩ năng: Không chỉ tích lũy tốt kỹ năng chuyên môn mà còn là ở kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế với mọi người. Để tạo nên một tập thể vững mạnh và dẫn đầu. CEO cần phải biết cách truyền cảm hứng đến toàn thể nhân viên và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thông thường nhà điều hành thường đảm nhận vị trí COO trước khi tiến đến cấp bậc CEO
Có sức khỏe tốt, chịu được áp lực: CEO là người điều hành toàn bộ hoạt động của công ty, phải làm việc dưới lượng áp lực rất lớn, vì vậy sức khỏe tốt và một tinh thần thép là những yếu tố quan trọng giúp họ có thể quản lý một hệ thống nhân sự và ra các quyết định chiến lược lớn.
4. Khác nhau giữa CEO và COO
Khi nói đến vị trí quản lý điều hành trong doanh nghiệp có khá nhiều chức danh như CEO, CFO, COO,…trong đó dễ nhầm lẫn nhất là CEO và COO.
COO là viết tắt của Chief Operating Officer, có thể hiểu là giám đốc vận hành. Vị trí này thường chỉ xuất hiện tại các công ty, tập đoàn cực lớn nhằm giảm bớt khối lượng công việc cho CEO. Hiểu theo cách đơn giản thì COO là người điều hành các công việc hằng ngày, làm việc với các cán bộ cáo cấp khác của công ty như CFO (giám đốc tài chính), CTO (giám đốc công nghệ) và báo cáo lại cho CEO.
Giám đốc vận hành sẽ bao quát toàn bộ công việc, quản lý hiệu quả của các phòng ban, được CEO ủy quyền để thực hiện các công việc, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định của Pháp luật. Đây là cánh tay phải, hỗ trợ đắc lực và san sẻ khối lượng công việc khổng lồ cho CEO.
Mặc dù đều là những lãnh đạo cấp cao của công ty nhưng hai vị trí vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt như sau
Trước tiên là ở vai trò. Nếu như CEO là người đại diện đứng đầu của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về các hoạt động, chiến lược kinh doanh thì CEO lại là nhân tố quan trọng giúp hỗ trợ CEO vận hành các công việc trong doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, trong khi chức năng của CEO là đưa ra những chiến lược, kế hoạch để phát triển doanh nghiệp thì COO vận hành toàn bộ các hoạt động trong doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch đó. COO sẽ nhận sự ủy quyền và thay mặt CEO trực tiếp làm việc với các bộ phận, phòng ban trong công ty như: kế toán, nhân sự, kinh doanh,… sau đó báo cáo lại kết quả cho CEO.
Điểm khác biệt thứ ba giữa CEO và COO là về quyền hạn. Nếu như CEO là vị trí đứng đầu, có quyền điều hành lớn nhất và đưa ra các quyết định quan trọng trong doanh nghiệp thì COO đứng sau hỗ trợ CEO. Trong khi CEO phải báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và điều hành công ty theo chiến lược, chính sách của của Hội đồng quản trị đưa ra thì COO làm việc theo sự chỉ đạo của CEO và có vai trò hỗ trợ CEO trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp.
Qua bài viết trên, hi vọng các bạn có thể hiểu hơn về CEO và biết nên làm gì để có thể trở thành một CEO giỏi. Hãy truy cập Dân Tài Chính mỗi ngày để có thêm nhiều thông tin về các lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán…nhé.
Để lại một bình luận