Đối với mỗi doanh nghiệp, việc thực hiện các dự án đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng và lợi thế của doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu lớn nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Để quyết định thực hiện một dự án đòi hỏi nhà quản trị phải cân nhắc, sử dụng các phương pháp khác nhau xem xét hiệu quả kinh tế, lợi ích thu được trong tương lai có tương xứng với vốn đầu tư đã bỏ ra hay không…Bài viết sau đây của Dân Tài Chính sẽ đem đến cho quý độc giả một số phương pháp chủ yếu được sử dụng để đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư.
- Khái quát về dự án đầu tư
- Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư
- Một số phương pháp chủ yếu để đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư
Khái quát về dự án đầu tư
Dự án đầu tư là quá trình hoạt động sử dụng vốn để hình thành nên những tài sản cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích thu lợi nhuận trong khoảng thời gian dài trong tương lai. Đầu tư trong các dự án thường là đầu tư dài hạn.
Đặc trưng của đầu tư dài hạn:
- Việc đầu tư phải bỏ vốn ban đầu với một số tiền tương đối lớn.
- Thời hạn thu hồi vốn có tính chất dài
- Các khoản thu nhập trong tương lai do dự án mang lại thường không chắc chắn nên đầu tư luôn gắn với rủi ro mạo hiểm. Thời gian đầu tư càng dài thì rủi ro càng lớn nên các nhà đầu tư phải có biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro.
- Mục tiêu đầu tư là đạt được hiệu quả kinh tế, tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các dự án đầu tư thường gồm 2 loại:
Dự án loại bỏ lẫn nhau (còn gọi là dự án xung khắc) là loại dự án mà doanh nghiệp chỉ được lựa chọn 1 dự án còn các dự án khác bị loại bỏ. Nếu đầu tư vào dự án này thì buộc phải từ chối các dự án khác. Ví dụ: Một doanh nghiệp đang xem xét có nên mua máy móc mới thay thế cho máy móc cũ hay không, thì trong 2 phương án mua mới và sử dụng máy cũ, doanh nghiệp chỉ được chọn một phương án.
Dự án độc lập (hay còn gọi là dự án tối ưu) là các dự án mà khi thực hiện sẽ không gây ảnh hưởng gì đến dự án khác, nó có thể quyết định chọn cả hai dự án cùng lúc lúc nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện để đầu tư. Ví dụ: Để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp có dự định mua thêm một máy mới thay thế cho máy cũ, đồng thời xây mới thêm một nhà xưởng…
Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư
Để đi đến một quyết định đầu tư cụ thể, vấn đề quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả đầu tư. Hiệu quả của đầu tư được thể hiện trong mối quan hệ giữa lợi ích thu được do khoản đầu tư mang lại có tương xứng với chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra ban đầu để thực hiện đầu tư hay không. Các bước của quá trình ra quyết định đầu tư bao gồm:
Bước 1: Tính toán dòng tiền vào và dòng tiền ra của dự án đầu tư.
Bước 2: Xác định chi phí sử dụng vốn bình quân (lãi suất thị trường) của dự án.
Bước 3: Sử dụng các phương pháp để đánh giá hiệu quả dự án đầu tư.
Bước 4: Ra quyết định chấp nhận hoặc loại bỏ dự án đầu tư.
Một số phương pháp chủ yếu để đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư
Phương pháp lợi nhuận bình quân vốn đầu tư của từng dự án đầu tư
Nội dung: phương pháp lựa chọn dự án đầu tư dựa trên cơ sở so sánh giữa tỷ suất lợi nhuận (TSLN) bình quân vốn đầu tư của dự án với tỷ suất sinh lời yêu cầu để đánh giá lựa chọn dự án
- Với dự án độc lập, nếu TSLN bình quân vốn đầu tư lớn hơn tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư thì có thể chọn dự án
- Với các dự án xung khắc, dự án nào có TSLN bình quân vốn đầu tư cao hơn sẽ được thực hiện.
Tỷ suất lợi nhuận thuần bình quân vốn đầu tư là mối quan hệ giữa số lợi nhuận bình quân thu được hàng năm do dự án đầu tư đem lại và số vốn đầu tư bình quân hàng năm trong suốt thời gian bỏ vốn đầu tư. Số vốn đầu tư hàng năm được xác định là số vốn đầu tư luỹ kế ở thời điểm cuối năm trước trừ đi số khấu hao tài sản cố định lũy kế ở thời điểm đầu mỗi năm sau.
Ưu điểm:
Đơn giản, dễ tính
Tính đến tổng thể lợi nhuận ròng và vốn đầu tư trong suốt tuổi thọ của dự án.
Hạn chế: Chưa tính đến các thời điểm khác nhau nhận được lợi nhuận trong tương lai của mỗi dự án.
Phương pháp thời gian hoàn vốn đầu tư (PP)
Nội dung: Phương pháp này đánh giá, lựa chọn dự án trên cơ sở xem xét thời gian hoàn (thu hồi) vốn đầu tư của dự án. Thời gian hoàn vốn đầu tư là khoảng thời gian cần thiết mà dự án tạo ra dòng tiền thuần bằng chính vốn đầu tư ban đầu để thực hiện dự án.
Trường hợp 1: Nếu dự án đầu tư tạo ra chuỗi tiền tệ thu nhập đều hằng năm thì thời gian thu hồi vốn đầu tư được xác định bằng vốn đầu tư ban đầu/dòng tiền thuần hàng năm của dự án.
Trường hợp 2: Dự án đầu tư tạo ra chuỗi tiền tệ thu nhập không ổn định ở các năm thì thời gian thu hồi vốn đầu tư được xác định theo cách sau:
- Xác định số năm thu hồi vốn đầu tư theo cách tính số vốn đầu tư còn phải thu hồi ở cuối năm bằng cách lấy số vốn đầu tư chưa thu hồi ở cuối năm trước trừ đi dòng tiền thuần của dự án trong năm nay
- Khi vốn đầu tư còn phải thu hồi ở cuối năm nào đó nhỏ hơn dòng tiền thuần của dự án đầu tư năm kế tiếp thì lấy số vốn đầu tư chưa thu hồi chia cho dòng tiền thuần bình quân 1 tháng của năm kế tiếp để tìm ra số tháng còn phải tiếp tục thu hồi vốn đầu tư.
Trên cơ sở tính toán, ta sẽ xác định được số năm và số tháng thu hồi được vốn đầu tư, đối chiếu thời gian hoàn vốn của các dự án với thời gian hoàn vốn tối đa doanh nghiệp có thể chấp nhận được sau đó loại bỏ những dự án có thời gian hoàn vốn dài hơn so với tiêu chuẩn. Đối với những dự án xung khắc, doanh nghiệp sẽ lựa chọn dự án có thời gian hoàn vốn ngắn hơn.
Ưu điểm
Đơn giản, dễ tính toán
Phù hợp với việc xem xét các dự án đầu tư quy mô vừa và nhỏ với chiến lược thu hồi vốn nhanh
Hạn chế
Phương pháp này ít chú trọng, xem xét lợi ích ngắn hạn hơn là lợi ích dài hạn. Phương pháp cũng không chú trọng tới yếu tố giá trị thời gian của tiền tệ.
Kỳ hoàn vốn ngắn chưa chắc là một sự hướng dẫn chính xác để lựa chọn dự án này với dự án án kia đặc biệt là đối với các dự án có mức sinh lời chậm như dự án sản xuất sản phẩm mới hay xâm nhập vào thị trường mới…thì phương pháp này không phải là lựa chọn thích hợp.
Để khắc phục các nhược điểm trên, người ta có thể sử dụng phương pháp thời gian hoàn vốn có chiết khấu để đưa các khoản thu chi của dự án về giá trị hiện tại để tính thời gian hoàn vốn.
Phương pháp thời gian hoàn vốn có chiết khấu (DPP)
Thời gian hoàn vốn có chiết khấu là khoảng thời gian cần thiết để tổng giá trị hiện tại tất cả các dòng thu nhập trong tương lai của dự án vừa đủ bù đắp số vốn đầu tư ban đầu bỏ ra. Cách tiến hành tương tự phương pháp thời gian hoàn vốn chỉ khác ở chỗ dòng thu nhập các năm đã quy đổi về giá trị hiện tại trước khi xác định thời gian hoàn vốn đầu tư.
Phương pháp này đã khắc phục hạn chế của phương pháp thời gian hoàn vốn đầu tư giản đơn là xem xét đến dự án có tính đến giá trị thời gian tiền tệ. Tuy nhiên các nhược điểm còn lại vẫn chưa thể khắc phục được.
Phương pháp giá trị hiện tại thuần (NPV)
Nội dung: Đây là phương pháp đánh giá, lựa chọn dự án trong đó tiêu chuẩn đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư chủ yếu là giá trị hiện tại thuần của dự án. Giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án là số chênh lệch giữa giá trị hiện tại các dòng tiền thuần của dự án với số vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.
Theo phương pháp này, các khoản thu nhập đạt được trong tương lai và vốn đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án đều phải quy về giá trị hiện tại với tỷ lệ chiết khấu nhất định. NPV được tính như sau:
Trong đó:
NPV: giá trị hiện tại thuần của dự án
CFt: dòng tiền thuần của dự án năm thứ t
CF0: vốn đầu tư bỏ ra ban đầu của dự án
n: vòng đời của dự án
r: tỷ lệ chiết khấu (thường tính theo chi phí sử dụng vốn của dự án hoặc tỷ suất sinh lời mà nhà đầu tư đòi hỏi)
Nếu NPV < 0: dự án bị loại bỏ
Nếu NPV = 0: tùy thuộc vào điều kiện và sự cần thiết của dự án, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định chấp nhận hay loại bỏ dự án.
Nếu NPV > 0: Với các dự án độc lập thì đều có thể chấp nhận. Còn đối với các dự án xung khắc và tuổi thọ dự án không bằng nhau, nếu dự án không bị giới hạn về khả năng huy động vốn thì dự án có NPV cao hơn sẽ là dự án được chọn.
Ưu điểm
- Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án mà có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền tệ.
- Đo lường trực tiếp giá trị tăng thêm do vốn đầu tư mang lại, từ đó giúp cho các nhà quản trị dễ dàng trong việc đánh giá và lựa chọn dự án phù hợp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Có thể tính giá trị hiện tại thuần của dự án kết hợp bằng cách cộng giá trị hiện tại thuần của các dự án với nhau NPV (A+B) = NPV(A) + NPV(B) trong khi các phương pháp khác không có tính chất này.
Hạn chế
- Chưa phản ánh mức sinh lời của mỗi đồng vốn đầu tư.
- Không cho thấy mối quan hệ giữa mức sinh lời của chi phí sử dụng vốn và vốn đầu tư.
- Sẽ không thể đưa ra kết quả khi các dự án không đạt được sự đồng nhất về mặt thời gian hoặc khi các dự án được xếp theo thứ tự ưu tiên khi nguồn ngân sách của doanh nghiệp bị giới hạn.
Phương pháp tỷ suất doanh lợi nội bộ (IRR)
Nội dung: Tỷ suất doanh lợi nội bộ hay còn gọi là lãi suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là một lãi suất mà chiết khấu với mức lãi suất đó làm cho giá trị hiện tại của dòng tiền thuần hàng năm trong tương lai do dự án đầu tư mang lại bằng với vốn đầu tư bỏ ra ban đầu. Nói theo cách khác, khi đó NPV = 0.
Ta có:
NPV: giá trị hiện tại thuần của dự án
CFt: dòng tiền thuần của dự án năm thứ t
CF0: vốn đầu tư bỏ ra ban đầu của dự án
n: vòng đời của dự án
r: tỷ lệ chiết khấu (chi phí sử dụng vốn)
IRR: tỷ suất doanh lợi nội bộ của dự án đầu tư
Cách xác định IRR:
Cách 1: Phương pháp thử và xử lý sai số
Lựa chọn một lãi suất làm tỷ lệ chiết khấu để tìm NPV của dự án. Nếu NPV > 0 thì nâng mức lãi suất lên, NPV < 0 thì hạ mức lãi suất xuống cho đến khi tìm được một mức lãi suất làm cho NPV của dự án bằng 0 hoặc xấp xỉ 0 thì lãi suất đó chính là IRR của dự án.
Cách 2: Phương pháp nội suy
Chọn một lãi suất tùy ý r1, tính NPV1 theo r1
Chọn một lãi suất tùy ý r2 thỏa mãn điều kiện
- Nếu NPV1 > 0 thì chọn r2> r1sao cho NPV2< 0
- Nếu NPV1 < 0 thì chọn r2< r1sao cho NPV2> 0
Nếu IRR < r: dự án bị loại bỏ.
Nếu IRR = r: tùy vào điều kiện của doanh nghiệp mà lựa chọn hay loại bỏ dự án.
Nếu IRR > r: Với dự án độc lập thì có thể lựa chọn dự án, với dự án xung khắc thì doanh nghiệp chọn dự án có IRR cao nhất.
Ưu điểm
Đánh giá được mức sinh lời của dự án bao gồm cả tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền.
Có thể so sánh được mức độ sinh lời của dự án với chi phí sử dụng vốn để thấy được mối liên hệ giữa việc huy động vốn và việc sử dụng vốn có hiệu quả trong việc thực hiện dự án.
Cho phép đánh giá khả năng bù đắp chi phí sử dụng vốn của dự án so với tính rủi ro của nó (NPV không có)
Hạn chế
Thu nhập của dự án được giả định là tái đầu tư với lãi suất bằng với tỷ suất doanh lợi nội bộ. Điều này không hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Không chú trọng đến quy mô của vốn đầu tư nên có thể dẫn đến trường hợp kết luận chưa thỏa đáng khi đánh giá dự án vì IRR luôn cao đối với những dự án có quy mô nhỏ.
Sẽ rất khó khăn để đánh giá lựa chọn dự án có nhiều IRR.
Phương pháp tỷ suất sinh lời (PI)
Nội dung: Chỉ số sinh lời là thước đo khả năng có thể sinh lời của một dự án đầu tư có tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền, được xác định bằng tỷ lệ giữa giá trị hiện tại của các khoản thu nhập trong tương lai và vốn đầu tư ban đầu của dự án đầu tư.
Ta có
Trong đó:
PI: chỉ số sinh lời của dự án
r: tỷ suất chiết khấu
CFt: dòng tiền thuần của dự án năm thứ t
CF0: vốn đầu tư bỏ ra ban đầu của dự án
Nếu PI < 1: dự án bị loại bỏ
Nếu PI = 1: tùy vào điều kiện thực tế có thể chấp nhận hay loại bỏ dự án
Nếu PI > 1: Chọn dự án có PI cao nhất
Ưu điểm:
Cho thấy mối liên hệ giữa các khoản thu nhập do dự án đem lại với vốn
bỏ ra để thực hiện dự án
Đánh giá khả năng sinh lời của dự án đầu tư có tính đến yếu tố
giá trị thời gian của tiền
So sánh các dự án có vốn đầu tư khác nhau để thấy được mức sinh lời giữa các dự án. Hữu hiệu hơn trong trường hợp nguồn vốn bị giới hạn, phải lựa chọn một trong nhiều dự án.
Hạn chế: Không phản ánh trực tiếp giá tri tăng thêm của dự án đầu tư.
Trên đây là một số phương pháp chủ yếu được sử dụng để đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Hãy theo dõi Dân Tài Chính mỗi ngày để có thể cập nhật nhanh chóng nhất các bài viết bổ ích và hấp dẫn nhất nhé.
Khanh viết
Cảm ơn tác giả về bài viết trên.
Cho mình hỏi nếu như 2 dự án đầu tư có thời gian khác nhau thì đánh giá và lựa chọn như thế nào?
Mình cảm ơn.
B.M Quang viết
Xin trân trọng cảm ơn tác giả đã truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất để tiến hành đánh giá hiệu quả của Dự án đầu tư.
Tuy nhiên với những người không học về tài chính thì quả là khó quá.
Xin chúc tác giả nhiều sức khỏe và thành công.
Rất mong được học hỏi thêm ở tác giả và mong ước được làm học trò của tác giả để có thể hiểu biết thêm vì tôi cũng đang có kế hoạch lập dự án thực hiện mà không biết bắt đầu từ đâu.
Trân trọng
BMQ.