Khái niệm hạch toán được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong kế toán. Tuy nhiên có rất nhiều người chưa nắm rõ khái niệm và vai trò của hạch toán. Hãy cùng Dân Tài Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Khái niệm hạch toán
Có thể thấy, hạch toán ra đời và tồn tại từ rất lâu, gắn liền với nhiều hình thái của xã hội. Ngay từ khi sản xuất chưa phát triển, con người đã tiến hành hạch toán bằng những hình thức đơn giản như đánh dấu lên cây, dùng đá để vẽ ký hiệu,…giúp ghi chép những thông tin cần thiết. Cho đến những hình thái xã hội cao hơn như chủ nghĩa tư bản, hạch toán dần trở nên phát triển một cách nhanh chóng và toàn diện trên nhiều mặt
Hạch toán là một quá trình bao gồm các hoạt động cụ thể như là: quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép những hoạt động kinh tế nhằm mục đích để thu thập, xử lý thông tin phục vụ cho việc tái sản xuất, giám sát và quản lý một cách chặt chẽ để chỉ đạo kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong đó:
Quan sát: đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình hạch toán nhằm ghi nhận sự tồn tại của đối tượng cần hạch toán.
Đo lường: từ việc quan sát sẽ tiến hành công tác đo lường, thu thập những số liệu về hao phí của các hoạt động kinh tế và cho ra kết quả. Kết quả đo lường được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có thể là hiện vật, cũng có thể là tiền,…
Tính toán: sử dụng các phép tính, áp dụng những phương pháp như là phân tích- tổng hợp để xác định những chỉ tiêu, tiêu chuẩn cần thiết. Thông qua việc tính toán, xem xét tiêu chuẩn sẽ thấy được hiệu quả của các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.
Ghi chép: thao tác ghi chép là thao tác cuối cùng nhằm lưu giữ lại kết quả cũng như tình hình của các hoạt động kinh doanh trong phát sinh trong từng thời kỳ, địa điểm cụ thể với trình tự thời gian nhất định để có thể đưa ra những quyết định phù hợp.
2. Vai trò của hạch toán
Chức năng chính của hạch toán là ghi chép, kiểm tra, giám sát các khía cạnh của hoạt động kinh tế của doanh nghiệp một cách thường xuyên và toàn diện. Thông tin hạch toán có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải chính xác, kịp thời, đảm bảo về tính hữu ích và sử dụng phương pháp hạch toán đúng đắn.
Hạch toán có chức năng thông tin, kiểm tra nên rất thông tin hạch toán có vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ cho các đối tượng cả trong và ngoài doanh nghiệp để có thể đưa ra các quyết định phù hợp, đúng đắn cả trong dài hạn và ngắn hạn.
Hạch toán còn cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư, giúp họ nắm được hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính doanh nghiệp và từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.
Đối với Nhà nước, hạch toán giúp nhà nước kiểm tra, nắm rõ được tình hình kinh doanh hiện tại của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để đưa ra chính sách phù hợp.
3. Các loại hạch toán
Hạch toán là hệ quả tất yếu của nhu cầu thông tin phục vụ quản lý kinh tế, xuất hiện từ khi có xã hội loài người và tồn tại qua mọi hình thái kinh tế xã hội, phát triển cùng với nền sản xuất xã hội và hoàn thiện không ngừng về nội dung, hình thức, phương pháp, tính chất và trình độ, bao gồm: Hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật; hạch toán thống kê và hạch toán kế toán.
Hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật
Hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp một cách trực tiếp và đơn giản các thông tin có tính tức thời về từng hoạt động kinh tế – kỹ thuật cụ thể như: Tiến độ thực hiện kế hoạch; thực trạng sử dụng vốn, lao động, vật tư; công suất thực tế của máy móc thiết bị…
Tùy vào tính chất của đối tượng phản ánh mà hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật sử dụng thước đo phù hợp. Thông tin cung cấp bởi hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật thường kịp thời nhưng phân tán, rời rạc, thiếu tính tổng hợp và hệ thống. Với đặc tính này, hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành một khoa học như các loại hạch toán khác.
Hạch toán thống kê
Hạch toán thống kê thu nhận, xử lý và cung cấp một cách hệ thống các thông tin có tính quy luật về các hoạt động kinh tế – xã hội số lớn gắn với phạm vi thời gian và địa điểm cụ thể như: đặc điểm và xu hướng biến động lợi nhuận, xu hướng năng suất lao động, xu hướng khai thác sử dụng máy móc thiết bị của một đơn vị, một tổ chức, một ngành, một lĩnh vực; giá cả, thu nhập quốc dân, dân số của một vùng, một quốc gia, một khu vực hoặc toàn cầu… trong từng kỳ thống kê.
Tùy vào tính chất của đối tượng phản ánh mà thống kê sử dụng thước đo phù hợp. Với nền tảng lý luận độc lập và hệ thống phương pháp riêng (chỉ số, điều tra thống kê, phân tổ thống kê…) cung cấp được những thông tin khách quan mang tính hệ thống và quy luật về các đối tượng quản lý, thống kê đã trở thành một khoa học trong hệ thống các khoa học kinh tế – xã hội.
Hạch toán kế toán
Hạch toán kế toán thu nhận, xử lý và cung cấp một cách hệ thống các thông tin có tính thường xuyên và liên tục về các hoạt động kinh tế – tài chính của một đơn vị cụ thể trong phạm vi thời gian nhất định như: tình trạng tài chính, tình hình và kết quả hoạt động, khả năng tạo tiền và tình hình sử dụng tiền của một doanh nghiệp, một tổ chức… trong từng kỳ kế toán.
Do đối tượng phản ánh là hoạt động kinh tế – tài chính nên thước đo tiền tệ là chủ yếu và bắt buộc của kế toán, bên cạnh đó kế toán có thể sử dụng các thước đo khác tùy vào tính chất của đối tượng quản lý và nhu cầu thông tin. Với nền tảng lý luận độc lập và hệ thống phương pháp riêng (chứng từ kế toán, tính giá, tài khoản kế toán, tổng hợp – cân đối kế toán) cung cấp được những thông tin khách quan mang tính hệ thống và bản chất về các đối tượng quản lý, kế toán đã trở thành một khoa học trong hệ thống các khoa học kinh tế – xã hội.
4. Hạch toán có phải là kế toán hay không?
Khi hạch toán có sự phân hóa thành các loại hình khác nhau, mỗi loại hạch toán đều mang những đặc trưng riêng của nó về đối tượng và phương pháp nghiên cứu các sự vật, hiện tượng, quá trình kinh tế; về các loại thước đo sử dụng và đặc điểm cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, kế toán cũng như các loại hạch toán khác vẫn giữ bản chất gốc của chúng là hạch toán với tính chất thông tin định lượng và quá khứ về các hoạt động kinh tế.
Ngày nay, do sự tồn tại độc lập giữa các loại hạch toán nên hầu như khái niệm hạch toán ít được nhắc tới theo đúng tiến trình lịch sử của nó. Mặc dù trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, kế toán chỉ là một bộ phận của hạch toán, song người ta thường có xu hướng trộn lẫn hai phạm trù hạch toán và kế toán, xuất phát từ thực tế về vai trò trọng yếu của kế toán trong hệ thống các công cụ cung cấp thông tin quá khứ và định lượng về đối tượng quản lý kinh tế và từ sự mờ nhạt của các loại hạch toán khác trong thực tiễn quản lý kinh tế vi mô tại các đơn vị. Vì vậy trong quá trình làm việc chúng ta cần làm rõ phạm trù của hai khái niệm này nhé.
Trên đây là một số nội dung có liên quan đến hạch toán. Hãy truy cập Dân Tài Chính mỗi ngày để cập nhật các thông tin hữu ích về lĩnh vực Tài chính, Kế toán, Thuế,..nhé!
Để lại một bình luận