Công nợ là một thuật ngữ khá quen thuộc với các doanh nghiệp. Các biên bản đối chiếu công nợ có vai trò quan trọng trong việc đối chiếu cũng như giải quyết các vấn đề tranh chấp phát sinh nếu có. Trong bài viết này, Dân Tài Chính sẽ giúp các bạn đọc có thêm thông tin về Mẫu biên bản đối chiếu công nợ mới nhất hiện nay.
1. Công nợ là gì?
Một doanh nghiệp phát sinh các nghiệp vụ mua, bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… hoặc khi phát sinh khoản tiền thanh toán trong kỳ với một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khác, số tiền còn lại chưa trả nợ sang kỳ sau được gọi là công nợ. Công nợ được chia thành hai loại chính là:
- Công nợ phải thu: bao gồm doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhưng chưa thu tiền hay các khoản đầu tư tài chính.
- Công nợ phải trả: bao gồm các khoản tiền phải trả cho nhà cung cấp vật tư, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, dịch vụ,… mà doanh nghiệp chưa thanh toán.
Ngoài ra kế toán còn theo dõi các khoản công nợ phải thu khác như: các khoản phải thu nội bộ, tạm ứng, tiền bồi thường,.. và các khoản công nợ phải trả khác như: phải trả nội bộ, phải trả phải nộp nhà nước,…
Biên bản đối chiếu công nợ là mẫu biên bản được lập ra làm căn cứ xác nhận để kiểm tra, đối chiếu tình trạng thanh toán công nợ giữa các doanh nghiệp với nhau trong khoảng thời gian nhất định. Biên bản cần thể hiện rõ các thông tin của chủ thể hai bên liên quan, chi tiết các giao dịch mua bán phát sinh trong kỳ để có thể đối chiếu lại trước khi hai bên tiến hành xác nhận thanh toán.
Biên bản này giúp công ty, doanh nghiệp có thể nắm bắt tình hình số dư các khoản nợ trong kỳ hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán, đồng thời phân loại các nhóm khoản nợ. Từ đó có thể đề ra các biện pháp xử lý công nợ theo quy định pháp luật.
2. Khi nào cần lập biên bản đối chiếu công nợ
Biên bản đối chiếu công nợ thường được lập theo nhu cầu của từng doanh nghiệp hoặc theo định kỳ tháng, năm theo thỏa thuận của hai bên đã thống nhất từ trước về lịch thanh toán của doanh nghiệp bên mua cho bên cung ứng sản phẩm dịch vụ.
Việc thanh toán những hóa đơn giá trị gia tăng có giá trị từ 20.000.000đ trở lên (thanh toán không dùng tiền mặt) cũng cần lập biên bản đối chiếu công nợ để kê khai với cơ quan thuế theo đúng quy định của pháp luật.
3. Nội dung của biên bản đối chiếu công nợ
Mẫu đối chiếu công nợ không phải là giấy vay nợ hay hợp đồng kinh tế song vẫn có giá trị pháp lý theo quy định và thường bao gồm các nội dung sau:
Tên chính thức, đầy đủ của các tổ chức, doanh nghiệp
Số biên bản đối chiếu công nợ
Phần tiêu ngữ, thời gian và địa chỉ
Tên của biên bản: Biên bản đối chiếu công nợ
Căn cứ lập biên bản: căn cứ vào biên bản giao nhận hàng hóa và căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên
Thông tin của các bên: bên A – bên mua, bên B – bên bán
Người lập cần trình bày thông tin của các bên chủ thể liên quan đến việc đối chiếu công nợ bao gồm: tên công ty, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại hoặc địa chỉ fax của công ty, đại diện (thường là đại diện pháp luật của công ty), chức vụ của người đại diện.
Thông tin đối chiếu công nợ: thông báo công nợ tổng quát bằng việc diễn giải qua thông số kế toán: số dư đầu kỳ, số phát sinh tăng và giảm trong kỳ, số dư cuối kỳ. (Lưu ý: cần có thêm dòng số dư cuối kỳ viết bằng chữ).
Công nợ chi tiết: đi vào giải thích chi tiết công nợ thông qua việc nêu rõ thông tin số chứng từ, kí hiệu chứng từ, diễn giải chi tiết các nghiệp vụ phát sinh công nợ, số tiền chi tiết là bao nhiêu.
Kết luận: Kết luận lại các vấn đề bên trên bằng cách chốt thời gian làm đối chiếu, tên công ty bên nợ cần thanh toán cho tên công ty bên bán số tiền là bao nhiêu tiền (cần ghi thêm số tiền bằng chữ bên cạnh).
Người lập cần nêu rõ biên bản được lập với số lượng bao nhiêu bằng ngôn ngữ gì, mỗi bên giữ bao nhiêu bản, các bản này cần có giá trị pháp lý như nhau và yêu cầu việc thanh toán được thực hiện trong thời gian bao lâu.
Ký tên và đóng dấu của các bên liên quan: đại diện 2 bên cần ký tên đóng dấu đầy đủ thì biên bản mới có giá trị pháp lý.
Dưới đây là ví dụ về biên bản đối chiếu công nợ
CÔNG TY DÂN TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2021/ĐC-CN | Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc |
Hồ Chí Minh, ngày 05 Tháng 01 năm 2021
BIÊN BẢN ĐỐI CHIẾU CÔNG NỢ
– Căn cứ vào biên bản giao nhận hàng hóa.
– Căn cứ vào thoả thuận giữa hai bên.
Hôm nay, ngày 20 tháng 5 năm 2021 Tại văn phòng Công ty Dân Tài Chính, chúng tôi gồm có:
1. Bên A (Bên mua): CÔNG TY ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI ABC
– Địa chỉ : Số 16, Nguyễn Văn Linh, Hà Đông, Hà Nội
– Điện thoại : 0123.798.654
– Đại diện : Bà Hoàng Thị Y Chức vụ: Giám đốc
2. Bên B (Bên bán): CÔNG TY DÂN TÀI CHÍNH
– Địa chỉ : Phường 4, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
– Điện thoại : 028.8456789
– Đại diện : Ông Nguyễn Văn X Chức vụ: Giám đốc
Cùng nhau đối chiếu công nợ từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/01/2020 cụ thể như sau:
1. Đối chiếu công nợ
STT | Diễn giải | Số tiền |
1 | Số dư đầu kỳ | 0 |
2 | Số phát sinh tăng trong kỳ | 72.000.000 |
3 | Số phát sinh giảm trong kỳ | 34.000.000 |
4 | Số dư cuối kỳ | 38.000.000 |
(Bằng chữ: Ba mươi tám triệu đồng chẵn).
2. Công nợ chi tiết.
– Hóa đơn GTGT số 0001285 ký hiệu TU/123P do Công ty Dân Tài Chính xuất ngày 13/10/2020, số tiền 18.000.000 (Chưa thanh toán).
– Hóa đơn GTGT số 0001293 ký hiệu TU/123P do Công ty Dân Tài Chính xuất ngày 19/11/2020, số tiền 20.000.000 (Chưa thanh toán).
3. Kết luận: Tính đến hết ngày 31/12/2020 CÔNG TY ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI ABC (bên A) còn phải thanh toán cho CÔNG TY DÂN TÀI CHÍNH (bên B) số tiền là: 38.000.000 (Bằng chữ: Ba mươi tám triệu đồng chẵn)
– Biên bản này được lập thành 02 bản có giá trị như nhau. Mỗi bên giữ 01 bản làm cơ sở cho việc thanh toán sau này giữa hai bên.
ĐẠI DIỆN BÊN A(Ký tên, đóng dấu) | ĐẠI DIỆN BÊN B(Ký tên, đóng dấu) |
Tải biên bản đối chiếu công nợ TẠI ĐÂY.
Thông qua bài viết trên, mong rằng quý độc giả đã có cho mình thông tin hữu ích về Biên bản đối chiếu công nợ. Hãy truy cập Dân Tài Chính mỗi ngày để có thêm nhiều kiến thức bổ ích hơn về các lĩnh vực kế toán, tài chính, thuế,.. nhé.
Để lại một bình luận