Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, vốn lưu động là yếu tố sống còn đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể vận hành liên tục, không bị gián đoạn. Vậy vốn lưu động là gì? Vốn lưu động có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp? Cách tính vốn lưu động nhanh chóng và hiệu quả nhất là gì? Không để bạn mất thời gian quá lâu, cùng Dân Tài Chính tìm hiểu ngay thôi nào.
- Vốn lưu động là gì?
- Phân loại vốn lưu động
- Ý nghĩa của vốn lưu động trong kinh doanh
- Cách tính vốn lưu động theo quy định mới 2021
Vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động có tên tiếng anh là Working capital (tên viết tắt: WC). Nó được dùng để chỉ các nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Những nguồn lực này được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, nó cũng được dùng làm thước đo đại diện cho thanh khoản vận hành có sẵn ở mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất hoặc một thực thể nhất định nào đó.
Một số ví dụ dễ hiểu nhất của vốn lưu động trong thực tế có thể kể đến như: tiền vốn mua nguyên nhiên vật liệu, tiền trả lương cho công nhân, tiền trả nợ lãi ngân hàng khi đến hạn, tiền thuê mặt bằng kinh doanh,…
Vốn lưu động cũng nằm trong phần vốn hoạt động của doanh nghiệp cùng với các nguồn lực cố định như máy móc, thiết bị,… Do đó, bộ phận nhân viên quản lý vốn lưu động nghĩa là phải quản lý các vấn đề về hàng tồn kho, lượng tiền mặt, các khoản thu và chi trong thời gian nhất định.
Trạng thái vốn lưu động
Vốn lưu động sẽ được chia thành 2 loại: vốn lưu động âm và vốn lưu động dương. Cụ thể trong đó:
Vốn lưu động âm
Chỉ lượng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp thấp hơn nợ ngắn hạn. Như vậy, dù doanh nghiệp có chuyển các tài sản ngắn hạn thành tiền cũng khó có thể đáp ứng được nguồn lực vốn cần có để duy trì hoạt động sản xuất. Đây chính là một trong những thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá sản nguy hiểm. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp cần có nguồn lợi lớn, giải quyết được các khoản nợ ngắn hạn.
Vốn lưu động dương
Là khái niệm chỉ lượng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đang ở mức cao hơn số tiền nợ ngắn hạn. Đây là trường hợp có lợi cho các cơ sở sản xuất. Bởi họ có thể chuyển hóa các tài sản ngắn hạn thành tiền. Từ đó, thanh toán nhiều khoản nợ dài hạn cũng thuận lợi hơn. Nhờ vậy mà hoạt động sản xuất cũng diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn.
Phân loại vốn lưu động
Việc phân loại vốn lưu động giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn các loại tài sản lưu động khác nhau, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Để phân loại vốn lưu động, doanh nghiệp có thể dựa vào tiêu chí vai trò của vốn, hình thái của tài sản lưu động hoặc nguồn gốc hình thành vốn lưu động.
Phân loại vốn lưu động theo vai trò vốn lưu động trong quá trình sản xuất
- Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất: vốn nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, vật liệu đóng gói, công cụ, dụng cụ.
- Vốn lưu động trong khâu sản xuất: vốn sản phẩm đang chế tạo, bán thành phẩm tự chế, chi phí trả trước…
- Vốn lưu động trong khâu lưu thông: vốn thành phẩm, hàng hóa, vốn bằng tiền, các khoản phải thu,…
Phân loại vốn lưu động theo hình thái biểu hiện
- Vốn vật tư hàng hóa là các khoản vốn lưu động có hình thái biểu hiện bằng hiện vật cụ thể như là: vốn nguyên, nhiên vật liệu; vốn sản phẩm dở dang; vốn hàng thành phẩm, hàng tồn kho; vốn chi phí trả trước.
- Vốn bằng tiền và các khoản phải thu: phân loại theo cách này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, đánh giá, khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
- Vốn đầu tư tài chính ngắn hạn
Phân loại vốn lưu động theo nguồn hình thành
Cách phân loại này cho thấy kết cấu vốn lưu động được hình thành bằng vốn của doanh nghiệp hay từ các khoản nợ. Từ đó có các quy định trong huy động và quản lý, sử dụng vốn lưu động hợp lý hơn.
Có thể chia vốn lưu động thành hai loại chính dựa theo nguồn hình thành:
- Nguồn vốn chủ sở hữu: là số vốn lưu động thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp có đầy đủ các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền chi phối và định đoạt, bao gồm: nguồn ngân sách; liên doanh, liên kết; nguồn vốn cổ phần, tự bổ sung…
- Nợ phải trả: nguồn vốn đi vay, nguồn vốn trong thanh toán.
Ý nghĩa của vốn lưu động trong kinh doanh
Sau khi tìm hiểu vốn lưu động là gì, bạn nên biết thêm về ý nghĩa của vốn lưu động. Mục đích là để nhận thức rõ hơn về yêu cầu cần phải tính vốn lưu động trong các hoạt động kinh doanh. Vốn lưu động nhìn chung có vai trò rất quan trọng đối với mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là phần vốn hoạt động, tạo tiền đề để doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến quy mô, nguồn lực tiềm năng,…
Vốn lưu động là điều kiện tiên quyết cần có để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động
Vốn lưu động là nguồn lực được sử dụng để mua bán nguyên nhiên vật liệu, thuê mặt bằng, trả lương cho công nhân,… Như vậy, ngoài các nguồn lực cố định, vốn lưu động là một trong những cơ sở tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp bắt đầu sản xuất. Như vậy, một doanh nghiệp muốn kinh doanh trước tiên phải có một nguồn vốn lưu động nhất định. Nếu không đáp ứng được nguồn vốn lưu động, doanh nghiệp chắc chắn không thể kinh doanh được.
Vốn lưu động ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp
Không chỉ là nền tảng để xây dựng hoạt động, vốn lưu động còn tác động mạnh mẽ đến quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tự chủ về tài chính trong kinh doanh. Để mở rộng quy mô sản xuất, yêu cầu doanh nghiệp cần có một nguồn vốn đầu tư nhất định. Nói cách khác, doanh nghiệp có nguồn vốn lưu động càng lớn thì khả năng mở rộng quy mô hoạt động càng lớn. Đồng thời, nó cũng mang đến lợi thế cạnh tranh và nhiều cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, lượng vốn lưu động cao hay thấp còn ảnh hưởng đến cơ cấu kinh doanh cũng như giá cả sản phẩm của doanh nghiệp. Chẳng hạn, để sản xuất lượng sản phẩm nhất định, doanh nghiệp phải sử dụng lượng vốn lưu động lớn. Tương đương với lượng vốn ấy, đa số giá của sản phẩm cũng sẽ cao hơn. Nếu nguồn vốn lưu động thấp thì giá cả sản phẩm về cơ bản cũng thấp hơn.
Cách tính vốn lưu động theo quy định mới 2021
Vốn lưu động đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Vốn lưu động được tính bằng cách lấy lượng tài sản ngắn hạn trừ đi những khoản nợ ngắn hạn.
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Khoản nợ ngắn hạn
Kết quả của phép tính này sẽ cho biết vốn lưu động của doanh nghiệp đang âm hay dương. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ tìm cách điều chỉnh phương hướng, kế hoạch hoạt động. Đồng thời, cân đối việc sử dụng các khoản thu chi sao cho phù hợp nhất.
Cách tính lượng tài sản ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn là khái niệm chỉ các loại tài sản mà doanh nghiệp có thể sử dụng chúng để đổi thành tiền mặt. Thời gian cho phép doanh nghiệp chuyển đổi sang tiền mặt thường là một năm. Ví dụ như các khoản tiền phải thu, những khoản chi phí trả trước, lượng tồn kho,…
Để tính lượng tài sản ngắn hạn, bạn cần tìm kiếm thông tin ở bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Thông thường, trong những tài liệu này thường sẽ có một mục là tổng lượng tài sản ngắn hạn.
Nếu như không có, bạn cũng không cần lo lắng. Bởi bạn có thể kiểm tra từng dòng của bảng cân đối và xem những dòng nào được xếp vào tài sản ngắn hạn. Sau đó, bạn cộng tất cả những dòng đó lại sẽ có được tổng lượng tài sản ngắn hạn.
Cách tính các khoản nợ ngắn hạn
Khoản nợ ngắn hạn được định nghĩa là những khoản nợ cần phải trả trong thời gian ngắn (thường là 1 năm). Cụ thể, nó gồm có: các khoản nợ phải trả, khoản nợ dồn tích và các khoản vay ngắn hạn.
Cũng giống như cách tính lượng tài sản ngắn hạn, bạn có thể tìm kiếm mục tổng khoản nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Trong trường hợp không có mục này, bạn phải kiểm tra các dòng thông tin trong bảng. Từ đó, xem dòng nào là khoản nợ ngắn hạn để liệt kê. Sau đó, cộng tổng tất cả các khoản nợ đó lại, bạn sẽ có được tổng nợ ngắn hạn.
Cách tính thay đổi vốn lưu động nhanh và chính xác nhất
Ngoài việc biết được vốn lưu động là gì, cách tính vốn lưu động thì việc tìm hiểu cách tính thay đổi vốn lưu động cũng rất quan trọng. Nhiều chuyên gia còn cho rằng đây là phần ứng dụng hữu ích nhất của vốn lưu động.
Để tính toán sự thay đổi vốn lưu động, bạn có thể sử dụng hai cách tính dưới đây.
Cách 1. Áp dụng cách tính phổ thông
Lượng vốn lưu động thay đổi được tính bằng cách lấy lượng vốn lưu động năm nay trừ đi lượng vốn lưu động của năm trước đó.
Thay đổi vốn lưu động = Lượng vốn lưu động năm nay – Lượng vốn lưu động năm trước.
Cách 2. Tính thay đổi vốn lưu động bằng cách bỏ tiền và nợ vay
Để tính thay đổi vốn lưu động theo cách này, bạn chỉ cần loại bỏ một số nội dung. Ví dụ: các khoản tiền, các khoản tương đương tiền,… Sau đó áp dụng công thức như cách tính đầu tiên.
Cách này thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng hơn. Bởi nó phản ánh thực tế nhất vòng quay tiền của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Kết luận
Như vậy, thông qua bài viết trên Dân Tài Chính đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về vốn lưu động. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ biết được vốn lưu động là gì và ý nghĩa của nó. Đồng thời, biết được cách tính vốn lưu động nhanh chóng, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra phương hướng hoạt động hiệu quả nhất.
Để lại một bình luận